Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Những chiêu làm giá chứng khoán

0 nhận xét
(Đời Sống 24h) - Vừa qua, các nhà đầu tư (NĐT) xôn xao trước quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đối với vụ “làm giá” cổ phiếu (CP) SQC. Song, những trường hợp CP có dấu hiệu "bị làm giá" như SQC hiện nay không hiếm. 



“Hút”, “xả”, “đè”, “đẩy”... là những cụm từ thường xuyên xuất hiện trên thị trường chứng khoán khi các NĐT bàn tán về hiện tượng giao dịch bất thường của một CP nào đó. Điều đó dường như không còn quá xa lạ với các NĐT nhưng vẫn luôn có người bị “sập bẫy”.

Từ kinh điển...

Ngày 8.4 qua, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt 40.000 triệu đồng/người đối với ông Hoàng Minh Hướng (ngụ tại Long An) và bà Quách Thị Nga (ngụ tại TP.HCM) do hành vi tác động đến giá CP của CTCP khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC).

Trong vụ CP của SQC, từ ngày 17.12.2009 đến ngày 7.1.2010, ông Hoàng Minh Hướng (tài khoản giao dịch số 019C995003) và bà Quách Thị Nga (tài khoản giao dịch số 019C995001) đã đặt nhiều lệnh mua khối lượng lớn cổ phiếu SQC với giá trần hoặc sát trần trong nhiều phiên liên tiếp. Điều này tạo nên "cầu ảo" khiến giá SQC tăng trần liên tục. Mục đích là thu hút được những NĐT khác tham gia mua theo. Khi giá SQC đạt đến ngưỡng kỳ vọng, các đối tượng này sẽ thu lợi. Đây chỉ là một trong những thủ thuật làm giá thuộc dạng "kinh điển" trên thị trường. Muốn gom CP thì sẽ làm giá xuống, muốn bán CP thì đẩy giá lên. Đặc biệt các CP sắp có thông tin tốt sẽ có nhiều cơ hội được bơm đẩy thành công hơn. Để thực hiện việc này, nhóm NĐT sẽ áp dụng chiến thuật “rải đinh” hay che giá trên bảng điện tử. Vì bảng giá điện tử chỉ thể hiện ba mức giá mua cao nhất nên NĐT sẽ đặt ba lệnh mua ở ba mức giá cao nhất từ giá trần xuống nhưng mỗi lệnh chỉ mua số lượng không lớn, thậm chí chỉ mua đúng 1 lô CP (là 10 CP trên sàn TP.HCM hay 100 CP trên sàn Hà Nội). Khi đó, toàn bộ các lệnh mua khác bị che khuất và NĐT khác không thể biết được khối lượng đặt mua đó là bao nhiêu. Nghĩa là không biết cầu thực sự của CP đó như thế nào.

Việc che giá sẽ được thực hiện theo kiểu NĐT bán ra tới tấp ở mức giá thấp ngay từ khi thị trường mở cửa nhằm tạo tâm lý bất an cho những NĐT khác để họ bán ra với giá thấp hơn. Trong khi đó cũng chính NĐT này sẽ âm thầm đặt lệnh mua gom lại ở giá thấp. Thủ thuật che giá ở trên khá cổ điển nhưng nếu được thực hiện vào những phút cuối cùng của đợt khớp lệnh định kỳ trên sàn TP.HCM sẽ mang lại hiệu quả cao.

Một NĐT tên T. có thâm niên tại sàn TP.HCM kể anh đã từng bị “sụp hầm” hai lần vì đặt lệnh bán ATC (lệnh mua hay bán CP ở mức giá đóng cửa và ưu tiên được thực hiện trước) nên đến giờ vẫn còn sợ. Theo dõi suốt phiên giao dịch thấy CP V. chỉ dao động xoay quanh giá tham chiếu nên anh quyết định đặt lệnh bán 20.000 CP V. đang giữ bằng lệnh ATC. Không ngờ đến phút cuối, lệnh đặt bán giá sàn ào ạt đưa vào khiến giá của CP V. bị rớt về giá sàn và anh “khá đau” vì bị lỗ mất 5% nếu so với giá tham chiếu dự kiến của anh. “Mình không ngờ đến phút cuối cùng mới có lệnh bán sàn với khối lượng đặt vô. Nếu biết trước mình đâu có bán với giá đó. Hơn nữa đợt cuối đặt rồi cũng không hủy lệnh được nên phải thua đau. Từ đó đến giờ không bao giờ mình đặt lệnh ATC, thà đặt mua hay bán luôn một giá cố định nào mà mình đã tính”, anh T. ấm ức kể. Những NĐT như anh T. cũng không phải là ít và thông thường chỉ dính bẫy ở "phút 89".

...đến tinh vi hơn

Trong các tuần lễ đầu tháng 4 đến nay, các NĐT chứng khoán rất sửng sốt khi câu chuyện vi phạm trong giao dịch chứng khoán của bà Nguyễn Kim Phượng - cổ đông lớn của CTCP vật tư vận tải xi măng Hà Nội (VTV) được UBCKNN công bố. Bà Phượng đã bán toàn bộ 557.800 CP vào ngày 24.3 (tương đương 8,5% tổng số CP của VTV đang lưu hành) mà không hề đăng ký thông tin về giao dịch như quy định. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu chỉ là việc bán "chui" bình thường như nhiều cổ đông lớn đã từng vi phạm trước đó. Nhưng trong trường hợp của VTV, vào đầu tháng 2.2010, bà Phượng có đăng ký mua vào 1,3 triệu CP của VTV với giá 40.000 đồng/CP. Thông tin này đã góp phần đưa giá VTV tăng từ 39.000 đồng/CP từ ngày 8.2 lên 66.000 đồng/CP vào ngày 19.3.  Như vậy phi vụ bán tháo âm thầm vào ngày 24.3 khi VTV tăng giá lên 62.800 đồng/CP đã giúp bà Phượng có thể bỏ túi lên đến khoảng 16,6 tỉ đồng (gồm số CP bà Phượng đã mua vào ở thời điểm giữa tháng 1.2010 là 33.000 đồng/CP, chưa kể gần 200.000 CP bà Phượng sở hữu trước đó với giá thấp hơn rất nhiều). Tuy nhiên đến nay, UBCKNN vẫn chưa công bố hình thức xử phạt chính thức đối với bà Nguyễn Kim Phượng.

Trước diễn biến này, nhiều NĐT khẳng định đây là chiêu kích giá tinh vi nhất từ trước đến nay. Thậm chí trong công văn giải trình việc CP tăng giá liên tục trong thời gian này, VTV cũng chỉ đưa ra lý do chung chung là do diễn biến của thị trường và từ việc một cổ đông lớn chào mua. Theo nhận định của ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, những thủ thuật như che giá, “rải đinh”, bán giá sàn ồ ạt hay mua giá trần đồng loạt là những cách thức khá cũ nên dễ bị phát hiện. Trong khi đó, việc công bố chào mua công khai nhưng lại âm thầm bán ra là một trong những thủ thuật “làm giá” CP tinh vi hơn. Nếu UBCKNN không xử lý nghiêm vụ này thì các trường hợp vi phạm tương tự khác có nguy cơ tái diễn.

Theo Thanhnien.com.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét