Sáng nay bà Nguyễn Thị Bưởi, vợ thuyền trưởng Là chạy đôn chạy đáo mượn bà con họ hàng bốn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng, mong vay được tiền để chuộc chồng, con về nhà sớm. Chuyến ra khơi trên chiếc tàu định mệnh này, ngoài chồng bà còn có hai đứa con trai nữa.
“Thương hoàn cảnh vợ chồng tôi khốn khổ, bà con cho mượn bốn sổ đỏ thế chấp để vay tiền ngân hàng, nhưng mỗi sổ chỉ vay được 10 triệu nên cũng chỉ được 40 triệu, còn lại phải vay nóng bên ngoài”, người vợ kể với VnExpress.net trong nước mắt.
Bà kể, hai vợ chồng gom góp tiết kiệm sau bao nhiêu năm làm nghề đánh cá, xây được căn nhà khá bề thế. Thế nhưng năm 2007, tàu của thuyền trưởng Là bị Trung Quốc bắt giữ ở Hoàng Sa rồi tịch thu luôn tàu, chỉ thả người về. Năm ấy để chồng được về, bà Bưởi đã phải thế chấp nhà để vay tiền nộp chuộc, rồi lại gây dựng tàu thuyền ngư cụ từ đầu. Hiện gia đình nợ đến hơn 700 triệu đồng.
Bỏ cả công việc hằng ngày, những người vợ, mẹ của 12 ngư dân bị giữ ở Hoàng Sa lại tụ tập tại nhà thuyền trưởng Là ngóng chờ tin tức.
“Nợ nhiều quá nên không ai dám cho tôi mượn nữa, khoản 180 triệu đồng mà họ đòi chuộc mới thả tàu và người về, tôi biết xoay sao cho đủ đây", bà Bưởi nghẹn ngào nói.
Sốt ruột, lo lắng cho số phận chồng, con đang bị tạm giữ ở Hoàng Sa, mấy ngày qua những người vợ, người mẹ không còn thiết tha gì đến công việc buôn bán, hàng ngày họ tập trung lại nhà bà Bưởi để đợi thông tin điện thoại từ Hoàng Sa. Chốc chốc có người lại điện vào hai số điện thoại mà thuyền trưởng Là gọi về nhà cung cấp mấy hôm trước, chỉ nghe toàn tiếng Trung Quốc không thể hiểu được gì.
Biệt tăm tin tức người thân nhiều ngày qua, những người phụ nữ chỉ còn biết ngậm ngùi ôm nhau khóc, cầu mong chồng, con sớm được thả về để làm lụng trả nợ nần, nuôi con cái ăn học. Ngồi bên hiên nhà, chị Cao Thị Chung (vợ ngư dân Nguyễn Đức Chung - một trong 12 người bị giữ ở Hoàng Sa) đưa tay quệt mồ hôi nhễ nhại trên trán, lo lắng: “Mấy ngày qua bé Dự đang học lớp 9 nghe ba bị bắt nên buồn rầu chán nản, xin nghỉ học đi làm thuê cho ba mẹ đỡ khổ, nghe mà đứt từng khúc ruột”.
Ôm đứa con vừa tròn 6 tháng tuổi vào lòng, chị Trương Thị Chi (vợ ngư dân Tiêu Viết Lành) buồn bã: “Vợ chồng em mới cưới nhau, có đứa con trai đầu lòng mừng vui chưa được bao lâu thì anh ra khơi đi làm ăn". Hôm nghe chồng bị Trung Quốc bắt giữ cùng với các ngư dân khác ở Hoàng Sa, người vợ trẻ gần như ngất xỉu. "Mấy đêm nay em không thể nào chợp mắt được, vừa thiu thiu ngủ thì nghe như chồng về lại choàng tỉnh giấc ôm con khóc thầm. Cầu mong chồng em cùng các ngư dân sớm được thả về cùng vợ, con.”, chị kể.
Bà Nguyễn Thị Bưởi (vợ thuyền trưởng Tiêu Viết Là) khóc lo lắng cho số phận của chồng và hai con đang bị phía Trung Quốc bắt giữ ở Hoàng Sa.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bức xúc nói: "Vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Từ xưa đến nay, vùng biển này là ngư trường hành nghề truyền thống của ngư dân Bình Châu. Phía Trung Quốc liên tiếp bắt giữ ngư dân trong lúc hành nghề, núp gió ở Hoàng Sa là không thể chấp nhận được".
Ông Hùng cũng đề nghị nhà nước cần có giải pháp can thiệp kịp thời để bảo vệ quyền lợi, tính mạng của ngư dân trong lúc hành nghề trên biển Đông. Sự có mặt của họ không những khai thác thủy sản mà còn góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc trên vùng biển Hoàng Sa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cũng khẳng định: "Việc Trung Quốc liên tiếp bắt giữ tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi khi hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa là hành động không thể chấp nhận được, gây tổn hại đến vật chất và tinh thần cho ngư dân".
Tỉnh đã có công văn gửi các cơ quan chức năng trung ương, đề nghị nhanh chóng can thiệp và yêu cầu phía Trung Quốc phải thả vô điều kiện 12 ngư dân cùng tàu cá đang tạm giữ vô cớ ở Hoàng Sa.
Theo thống kê của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, từ năm 2005 đến nay, tỉnh có 33 tàu cá với 373 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ, thiệt hại ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.
Ngày 22/3, tàu của thuyền trưởng Là cùng 11 ngư dân khác đang trên đường vào Hoàng Sa tránh gió mùa Đông Bắc thì bị Trung Quốc bắt giữ. Phía Trung Quốc yêu cầu khoản tiền chuộc 70.000 nhân dân tệ, tương đương 180 triệu đồng, mới thả người và tàu vì tội xâm phạm lãnh hải. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 29/3 đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc thả người và tàu vô điều kiện.
Đời Sống 24h ( Theo Vnexpress.net )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét