Một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia tới từ Tây Ban Nha, Mỹ và Mexico bắt đầu nghiên cứu hành vi ăn thịt ở 190 con rắn đuôi chuông cái thuộc nhóm pitviper (tên khoa học là Crotalus polytictus) ở miền trung Mexico từ năm 2004. Chúng đẻ tổng cộng 239 ổ trứng trong suốt thời kỳ nghiên cứu.
Các nhà khoa học nhận thấy, lũ rắn cái ăn khoảng 11% tổng khối lượng trứng và rắn con chết để lấy lại sức lực. “Rắn mẹ có thể lấy lại năng lượng đã mất cho lần đẻ trứng tiếp theo mà không phải tìm thức ăn – một hoạt động nguy hiểm cần nhiều thời gian và sức lực”, Estrella Mociño và Kirk Setser, hai chuyên gia của Đại học Granada (Tây Ban Nha), kết luận.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy hành vi ăn con và khối lượng thức ăn mà rắn đuôi chuông lấy vào cơ thể phụ thuộc vào 4 yếu tố là ngày đẻ trứng (những con rắn đẻ vào cuối tháng 7 có khả năng ăn con nhiều hơn), tỷ lệ rắn con chết so với tổng số trứng, tổng số trứng trong một lần sinh và mức độ căng thẳng do bị giam giữ.
Trong khi đó, loài rắn đuôi chuông này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do môi trường sống ngày càng thu hẹp. Ngoài ra còn có một số loài động vật khác cũng có hành động ăn con tương tự như gấu Bắc Cực, nhện sói, chuột đồng và nhiều loài cá.
Minh Long (theo Livescience)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét